12 năm xây dựng hồ sơ Di sản thế giới cho Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc

Nhận được thông tin Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc chính thức được ghi danh là Di sản thế giới tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới vào chiều 12/7, cụ Nguyễn Quang Phục, 87 tuổi ở phường Trần Hưng Đạo (xã Hưng Đạo, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương cũ) rất vui, tự hào.
Cụ Phục từng nhiều năm làm thủ từ ở đền Kiếp Bạc, trực tiếp tham gia công tác quản lý, bảo tồn di sản, thực hiện các nghi lễ, tục lệ cổ truyền ở khu di tích. Nơi đây có vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân địa phương. “Di tích trở thành Di sản thế giới, chúng tôi sẽ tiếp tục có điều kiện thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn vinh các bậc thánh nhân đã mang lại sự bình an, ấm no, hạnh phúc cho thế hệ hôm nay”, cụ Phục nói.

Đây là Di sản thế giới thứ 9 và là di sản thế giới liên tỉnh thứ hai của Việt Nam (sau vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà).
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc có vùng lõi rộng 525,75 ha, vùng đệm 4.380,19 ha, gồm 12 điểm di tích: Thái Miếu, chùa Lân, chùa Hoa Yên, chùa Ngọa Vân, bãi cọc Yên Giang (Quảng Ninh); chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, động Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương (TP Hải Phòng); chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà (Bắc Ninh).
5 điểm di tích trên địa bàn TP Hải Phòng là những di tích lịch sử, danh thắng tiêu biểu, đang bảo lưu những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc sắc không chỉ của Việt Nam mà còn mang giá trị nổi bật toàn cầu, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí 3 và 6 của UNESCO để ghi danh Di sản thế giới.
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hải Phòng khẳng định, việc được công nhận là Di sản thế giới mang lại nhiều lợi ích cho du lịch và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một danh hiệu uy tín, giúp tăng cường quảng bá di sản trên trường quốc tế, thu hút khách du lịch, các chuyên gia nước ngoài đến khám phá, trải nghiệm và nghiên cứu.
Thời gian tới, chắc chắn di sản sẽ thu hút sự quan tâm đầu tư của cả chính phủ và doanh nghiệp với hệ thống nhà hàng, khách sạn, hạ tầng giao thông, các tiện ích công cộng... Du lịch và các ngành liên quan phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành kinh tế khác như nông nghiệp, thủ công nghiệp và dịch vụ, đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế - xã hội tại địa phương.
Nỗ lực, quyết tâm

Hành trình xây dựng, hoàn thiện hồ sơ di sản được bắt đầu từ năm 2013, khi đó Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, hướng dẫn, phối hợp với UBND các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang (cũ) lập hồ sơ “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử”, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO xem xét, công nhận là Di sản thế giới. Lúc đó, hồ sơ di sản có tên “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử” và chỉ nằm trên địa bàn 2 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang (cũ).
Từ năm 2020 đến nay, UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với UBND 2 tỉnh Bắc Giang (cũ), Hải Dương (cũ) chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai xây dựng và đã hoàn thành Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc. Hồ sơ được gửi tới Trung tâm Di sản thế giới (UNESCO) ngày 26/1/2024.

Từ đó đến trước khi được công nhận Di sản thế giới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 3 tỉnh, thành phố, đơn vị liên quan tiếp tục cung cấp tư liệu chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo bổ sung thông tin hồ sơ theo yêu cầu của Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS), nhiều lần trao đổi, cung cấp thông tin và làm rõ thêm những giá trị nổi bật toàn cầu của di sản đề cử; tuyên truyền vận động hợp pháp cho hồ sơ đề cử.

Hồ sơ di sản đã trải qua 12 năm xây dựng và hoàn thiện. Ngay cả những ngày đoàn công tác của Việt Nam bảo vệ hồ sơ tại Pháp cũng đã có những lúc rất căng thẳng, hồ sơ có lúc được đánh giá ở mức có thể phải dừng lại để tiếp tục hoàn thiện, chỉnh sửa, chờ cơ hội bảo vệ sau… Nhưng cuối cùng, những nỗ lực đã đạt kết quả như mong đợi.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản thế giới là kết quả của quá trình nỗ lực bền bỉ, sự đồng thuận cao và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế. Nổi bật là sự nỗ lực, quyết tâm cao của các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh trong suốt quá trình nghiên cứu, lập hồ sơ di sản.

Thành công của hồ sơ di sản có vai trò quan trọng của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Phái đoàn Thường trực của Việt Nam bên cạnh UNESCO tại Paris - Pháp trong việc điều phối thông tin, kịp thời kết nối, làm việc với các cơ quan chuyên môn của UNESCO, ICOMOS, IUCN, Ủy ban Di sản thế giới, các chuyên gia, sự ủng hộ, đồng thuận của 21 quốc gia thành viên UNESCO.
Việc gìn giữ, phát huy những giá trị của quần thể Di sản thế giới này cần tiếp tục được thực hiện bài bản, đồng bộ và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp, ngành, địa phương.
Nguồn: Copy Báo Hải Phòng